UBND xã Nghĩa Kỳ triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 6 (cơn bão TRAMI )
Đồng chí Nguyễn Quốc Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ huy PTTT&TKCN của xã và các thanh viên. Dự cuộc họp có đồng chí Cao Thanh tuyên – Huyện uỷ viên, Bí Thư Đảng uỷ xã; các đồng chí trưởng thôn.
Thực hiện Công văn số 5729/UBND-KTN ngày 24/10/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi và Công văn số 3200/UBND ngày 24/10/2024 của UBND huyện Tư Nghĩa về việc khẩn trương triển khai ứng phó mưa lớn và bão TRAMI có khả năng đi vào Biển Đông, UBND xã Nghĩa Kỳ có Thông báo số: 180/TB-UBND, ngày 25/10/2024 gởi đến các cơ quan, đơn vị kinh tế HTXNN, trường học, các tổ chức đơn vị của tỉnh, Trung ương đóng trên địa bàn, các đơn vị thi công các công trình trên địa bàn của xã và bà con Nhân dân cần chủ động ứng phó phòng chống cơn bão số 6 TRAMY:
Bão số 6 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn xã; vì vậy, cán bộ, công chức xã chỉ được nghỉ phép, đi công tác ngoài tỉnh khi có công việc cần thiết, không thể vắng mặt theo yêu cầu hoặc chỉ đạo của cấp trên và phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền; kịp thời chỉ đạo tổ chức các biện pháp ứng phó bão theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xuống địa bàn được phân công để phối hợp, đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai tại cơ quan, đơn vị, địa bàn phân công phụ trách; Thường trực BCH PCTT& TKCN theo dõi các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện, tham mưu tổ chức họp triển khai ứng phó một cách kịp thời; Khẩn trương kiểm tra phương tiện, trang thiết bị cần thiết để sẵng sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Đối với các Hợp tác xã nông nghiệp cần bám sát Phương án PCTT&TKCN của xã đã được phê duyệt, chủ động chèn chống nhà làm việc, nhà kho của đơn vị mình. Kiểm tra hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm điện, do đơn vị quản lý, có giải pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại khi có bão lũ xảy ra.
Đối với các đơn vị trường học, khẩn trương chèn chống phòng lớp học, khóa chặt cửa chính cửa sổ, bảo quản thiết bị dạy học, cắt tỉa cây xanh, kiểm tra hệ thống điện chiếu sáng trong khuôn viên nhà trường, tránh để rò rỉ điện gây nguy hiểm cho học sinh, giáo viên nhà trường. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo bão, lũ để chủ động thông tin đến học sinh trong công tác tránh trú an toàn, không để xảy ra thương vong đáng tiếc. Phân công cán bộ, giáo viên trực đảm bảo, báo cáo kịp thời thông tin cho địa phương để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Đối với trạm y tế xã phân công lãnh đạo, nhân viên trực 24/24 cùng với BCH PCTT&TKCN xã trong lúc làm nhiệm vụ ứng phó, ứng cứu, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc để chữa trị sơ cứu ban đầu cho Nhân dân.
Đối với các thôn trên địa bàn xã, thường xuyên thông báo trên loa truyền thanh của thôn về diễn biến của bão TRAMY. Kiểm tra những vùng xung yếu báo cáo kịp thời cho BCH PCTT& TKCN để chỉ đạo kịp thời. Tuyên truyền cho bà con Nhân dân chủ động cắt tỉa cây xanh xung quanh nhà có khả năng đổ ngã, ảnh hưởng đến nhà mình và nhà xung quanh. Chèn chống nhà cửa mái tôn, di dời vật tư nông sản, gia súc, gia cầm lên nơi cao ráo. Tuyệt đối tuân thủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên khi có tình huống khẩn cấp phải di dời theo phương án của xã.
Tại cuộc họp đồng chí Cao Thanh Tuyên – Huyện uỷ viên, Bí Thư Đảng uỷ xã và đồng chí Nguyễn Quốc Dũng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ huy PTTT&TKCN của xã còn yêu cầu: Cần phải chủ động trong công tác tuyên truyền thông qua hệ thống Đài truyền thanh xã, tuyên truyền lưu động, để Nhân dân nâng cao ý thức trong công tác phòng chống bão, lũ; quan tâm đến các gia đình già cả, neo đơn, đưa họ về nơi trú ẩn an toàn; thực hiện tốt công tác 04 tại chỗ trong việc ứng phó với bão, lũ; chuẩn bị tốt máy phát điện để đảm bảo có điện trong khâu liên lạc; vận động người dân chuẩn bị tích trữ lương thực trong vài ngày và địa phương cũng chuẩn bị tốt nhu yếu phẩm cần thiết như: Mì tôm, nước uống, dầu hoả…; cần chú trọng sau hoàn lưu bão thường có mưa lớn nên dễ xảy ra lũ, nên công tác di dời dân ở các vùng trũng về nơi cao ráo là hết sức quan trọng để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Ngọc Xuất